Thời kỳ ban đầu
Công nghiệp hoá chất nước ta đã phôi thai từ trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Trải qua trên sáu mươi năm phát triển, Công nghiệp hoá chất đã có quy mô lớn, bao gồm nhiều phân ngành, thành phần kinh tế, trình độ công nghệ đã có bước thay đổi cơ bản với một đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và công nhân kỹ thuật đông đảo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Công nghiệp hoá chất đã được hình thành từ nhu cầu của cuộc kháng chiến, với ba mục tiêu quan trọng: phục vụ quốc phòng, nông nghiệp và dân sinh. Trong thời kỳ này chúng ta đã sản xuất được thuốc nổ, ngòi nổ, than cốc dùng trong công nghiệp. Để phục vụ nông nghiệp, các xưởng phốt phát nghiền được xây dựng ở nhiều nơi. Ngoài ra chúng ta còn sản xuất được một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như xà phòng, diêm, bát đĩa, đồ da thuộc. Để phục vụ yêu cầu in ấn, chúng ta còn sản xuất được cả giấy, mực in và tiến hành in tài liệu .
Hòa bình lập lại, ngành công nghiệp nói chung và Công nghiệp Hoá chất nói riêng chỉ bao gồm một số ít ỏi các cơ sở rất lạc hậu như Nhà máy xi măng Hải Phòng (phải ngừng sản xuất), một vài xí nghiệp tư nhân và 6 xí nghiệp hoá chất quốc doanh , đó là các xưởng phốt phát nghiền thủ công.
Ngay từ những năm 1950 -1960, một số cơ sở nghiên cứu và sản xuất thuộc ngành hoá chất được khôi phục lại hoặc thành lập mới và đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế ở miền Bắc.
Trong khi các sản phẩm hoá chất tiêu dùng như xà phòng, thuốc đánh răng v.v...chủ yếu vẫn do công nghiệp địa phương sản xuất thì trước nhu cầu cấp thiết về phân bón cho nông nghiệp, ngay từ những ngày đầu tiên sau hoà bình lập lại, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy Công nghiệp hoá chất làm động lực quan trọng để khôi phục và phát triển nông nghiệp. Trong thời kỳ này Mỏ Apatit Lào Cai đã được khôi phục sản xuất và ngay từ năm 1955, những tấn quặng apatit khai thác đầu tiên đã được cung cấp cho nhu cầu làm phân bón.
Trong giai đoạn cải tạo và phát triển công nghiệp (1958 -1960), chúng ta cũng hướng Công nghiệp hóa chất vào phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt phát triển nông nghiệp. Năm 1959 chúng ta đã khởi công xâu dựng Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao - con chim đầu đàn của ngành hoá chất thời kỳ đó - Tháng 4 năm 1962, Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động và xuất xưởng những tấn phân lân supe đầu tiên phục vụ nông nghiệp.
Phương hướng phát triển của Công nghiệp hoá chất (bao gồm cả sản xuất vật liệu xây dựng) trong thời kỳ này là:
- Sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp.
- Phát triển mạnh vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu xây dựng.
- Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm phục vụ các ngành kinh tế khác (acqui, hơi kỹ nghệ, gạch chịu lửa v.v...)
- Đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Trong giai đoạn này, Công nghiệp hoá chất là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Về phân bón, từ sản lượng 6.000 tấn phốt phát năm 1955, thì năm 1960 đã đạt 541,4 nghìn tấn, trong đó apatit là 490 nghìn tấn và phốt phát nghiền là 49,7 nghìn tấn ( tăng hơn 90 lần).
Về xi măng, từ 8,4 nghìn tấn năm 1955, sản lượng năm 1960 đã đạt 407,9 nghìn tấn (tăng gần 50 lần).
Đặc biệt, trong thời kỳ này Công nghiệp hoá chất đã bắt đầu đưa ra thị trường hai mặt hàng tiêu dùng mới, đó là săm lốp xe đạp và đồ dùng bằng nhựa.
Nhìn chung, trong toàn bộ thời kỳ khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế kéo dài 6 năm, Công nghiệp hoá chất đã tiến một bước dài theo hướng phục vụ nông nghiệp, xây dựng cơ bản và tiêu dùng.
Trong bước đầu của nền công nghiệp Việt Nam, Công nghiệp hóa chất tại các địa phương có một vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu về mặt hàng tiêu dùng của nhân dân (xà phòng, thuốc đánh răng, sơn)... Thậm chí 45 tấn thuốc trừ sâu đầu tiên sản xuất tại Việt Nam vào năm 1960 cũng là của công nghiệp hoá chất địa phương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao (19/8/1962)
Thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965)
Đây là thời kỳ mà những kết quả đạt được của Công nghiệp hoá chất tuy chưa lớn, nhưng đối với một đất nước vừa thoát khỏi những năm dài chiến tranh, một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, thì những thành tựu đạt được thật là to lớn và đáng tự hào.
Nhưng kế hoạch sản xuất chỉ được thực hiện không đầy 4 năm trong hoà bình. Sau đó chúng ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Mặc dù phần lớn các cơ sở công nghiệp ở miền Bắc nước ta đều bị đánh phá, toàn bộ nền kinh tế phải chuyển hướng cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, nhưng các thành quả thu được cũng rất đáng kể, Công nghiệp hoá chất và vật liệu xây dựng vẫn có tốc độ tăng trưởng cao. Riêng Công nghiệp hoá chất tăng gấp 4,62 lần, hơn cả điện lực và cơ khí. Trong thời kỳ này Công nghiệp hoá chất chiếm 9,5% giá trị tổng sản lượng toàn ngành công nghiệp.
Trong kỳ kế hoạch 1961 - 1965, hàng loạt nhà máy lớn của Công nghiệp hóa chất như Supe phốt phát Lâm Thao, Hoá chất Việt Trì, Acquy Hải Phòng, Pin Văn Điển, Phân lân nung chảy Văn Điển v.v... đã được xây dựng và nhanh chóng đi vào sản xuất.
Nhờ có 2 nhà máy phân bón, kể từ năm 1961, lần đầu tiên nước ta đã sản xuất được phân lân chế biến. Sản lượng phân hoá học trong năm 1964 , năm cao nhất của thời kỳ kế hoạch, là 205,26 nghìn tấn, trong đó supe phốt phát là 135,88 nghìn tấn.
Sản lượng apatit nguyên khai cũng tăng nhanh chóng lên đến mức cao nhất vào năm 1964, đạt 864 ngàn tấn, trong đó 7.400 tấn được nghiền làm phân bón.
Trong thời kỳ này Công nghiệp hoá chất cũng bắt đầu sản xuất nhiều thuốc trừ sâu.
Ngành hóa chất cơ bản cũng bắt đầu hình thành với các sản phẩm như axit sunfuric, axit clohyđric, xút lỏng, clo lỏng.
Ngành năng lượng điện hóa đã bắt đầu cung cấp pin và acqui cho quốc phòng, đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế và tiêu dùng.
Ngành công nghiệp cao su cũng bắt đầu sản xuất được lốp ôtô với sản lượng ban đầu là 22,5 nghìn bộ (năm 1964) và sau đó, đưa lên 29 nghìn bộ (năm 1965) chưa kể một số lượng lớn lốp đắp, phục vụ kịp thời cho chiến đấu và sản xuất. Các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng nhanh sản lượng.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, sản lượng xi măng tăng đáng kể.
Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mặc dù chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhưng Công nghiệp hóa chất và vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục phát triển, chiếm vị trí quan trọng trong công nghiệp. Cơ cấu ngành cũng có nhiều thay đổi. Lĩnh vực sản xuất tăng nhanh. Chúng ta đã có Công nghiệp hoá chất vô cơ cơ bản và năng lượng hoá học.
Đã hình thành ba khu công nghiệp hoá chất tập trung ở các khu vực : Hà Nội, Vĩnh Phú (Việt Trì - Lâm Thao) và Hải Phòng.
Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ (1965 - 1975)
Trong thời kỳ này miền Bắc nước ta phải trải qua hai lần bị đánh phá nặng nề. Đây cũng là thời kỳ ngành hoá chất có một bước biến chuyển mới : Ngày 19 tháng 8 năm 1969, Nhà nước đã quyết định thành lập Tổng cục Hóa chất trực thuộc Chính phủ, đồng thời đây cũng là thời kỳ (trong vòng 10 năm) mà các cơ sở Công nghiệp hoá chất của miền Bắc phải vừa chiến đấu vừa sản xuất. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do hai cuộc chiến tranh phá hoại gây ra, nhưng nhìn chung Công nghiệp hoá chất vẫn bảo đảm được tốc độ tăng trưởng trương đối cao. Giá trị tổng sản lượng năm 1975 tăng gấp 1,65 lần so với năm 1965.
Sản phẩm quan trọng nhất trong thời kỳ này là phân lân. Các sản phẩm trọng yếu khác của ngành đều phục hồi nhanh và vượt xa mức trước chiến tranh.
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, từ hòa bình lập lại đến năm 1975, Công nghiệp hoá chất đã có bước phát triển rất to lớn. Về cơ cấu ngành, đã hình thành nhiều thành phần kinh tế - kỹ thuật thiết yếu trong nền kinh tế quốc dân:
- Công nghiệp sản xuất phân bón, thuốc trừ dịch hại và các hoá chất phục vụ nông nghiệp khác
- Công nghiệp mỏ phục vụ ngành hoá chất
- Công nghiệp cao su
- Công nghiệp hoá chất cơ bản
- Công nghiệp pin – acquy
- Công nghiệp xà phòng…
Trong Công nghiệp hoá chất còn có các phân ngành như : silicat (chủ yếu sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng), vật liệu chịu lửa, các mặt hàng gốm sứ, thuỷ tinh dùng trong công nghiệp và dân dụng,v.v...Trong thời kỳ này Công nghiệp hoá chất tại các doanh nghiệp nhà nước là trụ cột của ngành. Có thể nói Công nghiệp hoá chất là một trong những ngành đã thể hiện rõ rệt tính chủ đạo của công nghiệp quốc doanh. Các doanh nghiệp nhà nước đã bảo đảm được gần 70% giá trị tổng sản lượng toàn ngành.
Các hóa chất cơ bản như xút, clo (cho công nghiệp giấy, công nghiệp thực phẩm và xử lý nước), axit sunfuric ( cho công nghiệp acquy,sản xuất phèn) v.v... cũng hoàn toàn do các cơ sở quốc doanh đảm nhiệm. Tất cả các hoá chất và sản phẩm liên quan đến hoá chất cần thiết cho quốc phòng đều do Tổng cục Hóa chất sản xuất theo kế hoạch đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể.
Ngoài sản xuất, khu vực nghiên cứu thiết kế cũng được hình thành. Trong ngành có hai cơ quan khoa học là Viện Hoá học Công nghiệp (thành lập năm 1955) Và Viện Thiết kế Hoá chất (thành lập năm 1967).
Ngành có một trường đào tạo kỹ thuật viên, hai trường đào tạo công nhân kỹ thuật và một trường quản lý kinh tế.
GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN 1976-1985 CỦA NGÀNH
Thời kỳ kế hoạch 5 năm (1976 - 1980)
Đất nước thống nhất và giải phóng miền Nam, chúng tiếp quản được hàng loạt xí nghiệp công nghiệp, trong đó có các xí nghiệp hóa chất, mà phần lớn là loại nhỏ.
Công nghiệp hoá chất thuộc loại có tỷ trọng đầu tư cao nhất của ngành công nghiệp miền Nam và tập trung chủ yếu vào các sản phẩm tiêu dùng. Các sản phẩm như săm lốp xe đạp và xe máy, pin - ăcquy, sơn, xà phòng, thuốc đánh răng, chất tẩy rửa và nhất là hàng nhựa là các sản phẩm có sản lượng lớn và khá phong phú về chủng loại, nhưng lĩnh vực phân bón chỉ có phân trộn và photphorit nghiền với sản lượng thấp.
Trong thời kỳ này, một mặt, sau khi cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, chúng ta đã sáp nhập nhiều công ty nhỏ và thành lập nhiều công ty thuộc những phân ngành kinh tế kỹ thuật khác nhau, có quy mô lớn hơn. Tại miền Bắc nhiều nhà máy hoá chất cũng được cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới. Đặc biệt, trong thời kỳ này để thực hiện mục tiêu 1,3 triệu tấn phân hóa học đề ra cho kế hoạch 5 năm, chúng ta đã nhanh chóng xây dựng nhiều cơ sở nghiền apatit để dùng trực tiếp làm phân bón. Kết quả là từ năm 1976 đến 1980 số xí nghiệp của Tổng cục Hóa chất đã tăng liên tục từ 71 lên 111, tăng gần 1,6 lần.
Tuy nhiên, do tình hình thế giới và khu vực rất phức tạp, việc Mỹ và một số nước phương tây thi hành chính sách cấm vận đối với nước ta, mà từ năm 1978 sản lượng toàn ngành công nghiệp giảm sút nhanh.
Công nghiệp hóa chất nằm trong bối cảnh chung của đất nước, cộng thêm sự giảm sút về nguyên liệu nhập khẩu, nên chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong năm 1980 chỉ số phát triển của Công nghiệp hoá chất trung ương đã giảm, chỉ còn bằng 94% so với năm 1976.
Thời kỳ kế hoạch 5 năm (1981 - 1985)
Công nghiệp hóa chất là một trong số những ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong kỳ kế hoạch này. Giá trị tổng sản lượng năm 1985 gấp 1,8 lần năm 1980. Công nghiệp hóa chất cũng là một trong những ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành công nghiệp, tới 10,6% vào năm 1985.
Trong kỳ kế hoạch này, nhờ Nhà máy Phân lân Ninh Bình đi vào sản xuất và Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao tiếp tục mở rộng, đưa công suất lên 300 nghìn tấn/năm, nên sản lượng phân lân chế biến năm 1985 đã tăng gấp 1,5 lần so với năm 1980. Sản lượng thuốc trừ sâu cũng tăng gấp 2,2 lần. Các sản phẩm chủ yếu khác như các hóa chất vô cơ cơ bản và nhất là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu của ngành như săm lốp xe đạp, pin, chất tẩy rửa v.v... đều tăng sản lượng và số mặt hàng. Tuy nhiên, các sản phẩm phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu đều bị giảm. Điển hình là săm lốp ôtô, thuốc đánh răng và xà phòng thơm.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI (TỪ 1986 ĐẾN NAY)Thời kỳ kế hoạch 5 năm (1986 - 1990)
Trong kỳ kế hoạch này, ngoài việc điều chỉnh mục tiêu theo hướng đẩy mạnh đầu tư cho ba chương trình về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất . khẩu, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách rất quan trọng: Khuyến khích đầu tư nước ngoài khuyến khích các thành phần kinh tế cùng nhau phát triển, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo Giao cho các xí nghiệp quốc doanh quyền tự chủ kinh doanh. Giai đoạn này, công nghiệp hóa chất thuộc những ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Bình quân trong 3 năm đầu, tốc độ tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm.
Tuy nhiên, là một ngành phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên công nghiệp hóa chất chịu tác động của cơ chế hai giá và các chính sách khác từ khi chuyển sang cơ chế thị trường. Khi những thuận lợi bên ngoài không còn nữa, Nhà nước tiếp tục xoá bỏ các tàn dư của cơ chế quản lý cũ (cơ chế hai giá, ba kế hoạch...) và chuyển hẳn sang cơ chế phù hợp với quy luật kinh tế thị trường thì sản lượng của nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp hóa chất bị giảm sút.
Trong thời kỳ này, nhờ đường lối đổi mới khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển nên các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã phát triển khá. Trong công nghiệp hóa chất, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chủ yếu đầu tư sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như: xà phòng, thuốc đánh răng, săm lốp xe đạp... Ở thời điểm này các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỉ trọng rất thấp trong cơ cấu giá trị tổng sản lượng của ngành, khoảng 0,56%.
Điều đáng chú ý là khu vực quốc doanh chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Hóa chất, mặc dù phải chịu nhũng thách thức rất lớn khi chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập chung sang cơ chế thị trường lại chịu sức ép cạnh tranh rất mạnh của khu vực ngoài quốc doanh, nhất là hàng nhập khẩu, nhưng đã nhanh chóng vượt mọi thử thách và giữ vững vai trò chỉ đạo của kinh tế quốc doanh.
Thời kỳ kế hoạch 5 năm (1991 - 1995)
Có thể nói đây là giai đoạn đầu tiên thực hiện theo cơ chế giao quyền gần như tự chủ hoàn toàn cho các doanh nghiệp. Bước vào giai đoạn này đã có những thay đổi về tổ chức, Bộ Công nghiệp nặng được thành lập lại, trên cơ sở cơ chế quản lý mới Nhà nước đã thành lập hai Tổng công ty quản lý các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Hóa chất trước đây.
Ngành công nghiệp hóa chất đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt mức gần 20% trong suốt thời kỳ kế hoạch. Cũng trong kỳ kế hoạch này, công nghiệp địa phương chiếm tỉ trọng xấp xỉ 57% tổng giá trị sản lượng toàn ngành, trong đó các doanh nghiệp quốc doanh địa phương khoảng 31%. Đặc biệt, trong giai đoạn này, khu vực ngoài quốc doanh đã phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng tới trên 1/4 giá trị tổng sản lượng năm 1995 của toàn ngành.
Mặc dù khu vực ngoài quốc doanh phát triển mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng 74,4%, trong đó hai Tổng công ty Hóa chất chiếm 43%.
Khu vực công nghiệp địa phương trong sản xuất với số lượng doanh nghiệp còn rất ít, nhưng cũng có một vị trí đáng kể trong ngành. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1995 của các liên doanh đã chiếm 13,6% giá trị toàn ngành.
Giai đoạn năm 1995 -2006
Ngày 20/12/1995, tại Quyết định số 835/TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty Hóa chất Việt Nam theo mô hình Tổng công ty mạnh, trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Phân bón và Hóa chất cơ bản với Tổng công ty Hóa chất công nghiệp và Hóa chất tiêu dùng. Tổng công ty Hóa chất Việt Nam là một trong 18 Tổng công ty hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91. Tổng công ty Hóa chất Việt Nam ra đời, đã kế thừa toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động và thành tích của ngành hóa chất trước đây.
Tại thời điểm thành lập, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam có 41 đơn vị thành viên, 2 đơn vị phụ thuộc và 6 đơn vị sự nghiệp. Với các ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu như phân bón các loại hóa chất cơ bản, săm lốp ôtô, xe máy, xe đạp và cao su kỹ thuật, sản phẩm điện hóa, chất tẩy rửa, khai thác mỏ...
Giai đoạn từ 2006 - 2009
Tiếp tục quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, theo Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 24 tháng 4 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chuyển Tổng công ty Hóa chất Việt Nam sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con và Quyết định số 90/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.
Tại thời điểm thành lập, Công ty mẹ - Tổng công ty Hóa chất Việt Nam có 23 công ty con, trong đó có 2 công ty TNHH một thành viên, 11 công ty liên kết 4 công ty liên doanh và 2 đơn vị sự nghiệp. Công ty Mẹ - Tổng công ty Hóa chất Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 90/2006/QĐ-TTg ngày 24/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 279/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chúc và hoạt động Công ty mẹ - Tổng công ty Hóa chất Việt Nam. Tổng công ty có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn này, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đã tăng nhanh năng lực sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đóng góp lớn cho việc bảo đảm cung ứng nhiều sản phẩm hàng hoá thiết yếu cho nền kinh tế tạo nguồn thu cho ngân sách cùng với các Tập đoàn và Tổng Công ty nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong ngành sản xuất phân bón và một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Quy mô vốn sở hữu của Tổng Công ty từ 2006 đã tăng lên đáng kể. Năm 2006, tổng vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là 4.342 tỷ đồng, cuối năm 2008 đã đạt 6.818 tỷ đồng, tăng 56,79 các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều vượt so với kế hoạch đề ra, duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tính đến thời điểm 30 tháng 11 năm 2009, ngoài Công ty mẹ, Tổng Công ty có 10 Công ty con mà Tổng Công ty giữ 100% vốn điều lệ, 10 Công ty trên 50% vốn điều lệ, 11 Công ty liên kết và 4 Công ty liên danh với nước ngoài, một Trường cao đẳng và một Viện nghiên cứu, phát triển.
Những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập ngày càng sâu rộng, phải cạnh tranh ngày càng gay gắt cả trong nước và quốc tế, Tổng Công ty có những phát triển vượt bậc và toàn diện trên các mặt sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản, lao động sáng tạo, ứng dụng thành tựu KHCN, bảo vệ môi trường, công tác xã hội từ thiện .... Tổng Công ty đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực đất nước, mỗi năm cung cấp cho nông dân 1,4 triệu tấn phân chứa lân gồm supe photphat và phân lân nung chảy đáp ứng 100% nhu cầu của cả nước khoảng 1,4 - 1,6 triệu tấn phân NPK các loại và 150 nghìn tấn phân đạm. Ngoài phân bón, các ngành như cao su (săm lốp ôtô, xe đạp, xe máy) chất giặt rửa, các sản phẩm điện hóa (pin, ắcquy), hoá chất cơ bản (xút, axít ...) cũng được phát triển. Trong 10 năm 1998-2008, tốc độ tăng trưởng bình quân của Tổng Công ty là 11,13%, chiếm tỷ trọng 10%, giữ vị trí đáng kể trong toàn ngành công nghiệp.
Thành lập Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Ngày 23/12/2009, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 2180 TTg thành lập Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) và ngày 20 tháng 1 năm 2010, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã làm lễ ra mắt tại Hà Nội. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được thành lập theo trên cơ sở xắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Hóa chất Việt Nam. Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng công ty, các ban chức năng và các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Công ty Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất Trung tâm Thông tin KHKT Hóa chất Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Hóa chất. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Lễ ra mắt Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Tại thời điểm thành lập, ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn có 10 công ty con do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, 17 công ty con do tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ khi cổ phần hóa, 16 công ty con do tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, 1 Viện nghiên cứu, 1 Trường cao đẳng. Ngành kinh doanh chính là đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, sản phẩm cao su, pin và ắc quy, chất giặt rửa và mỹ phẩm, khí công nghiệp, khai khoáng, sản phẩm hóa dầu, hóa dược…